Tiêu đềVùng đất văn hóa Hồ Gươm: Trường Hồ Đình dưới cây đa trong khuôn viên Báo Nhân Dân ThuộcHà Hồng | Hồ Hoàn Kiếm | Kỷ niệm riêng của mỗi người Th.gianTue, 30 May 2017 21:00:20 +0000 Tác giảMr.Hohoankiem Địa chỉvung-dat-van-hoa-ho-guom-truong-ho-dinh-duoi-cay-da-trong-khuon-vien-bao-nhan-dan-t799/ Nội dung Vùng đất văn hóa Hồ Gươm Trường Hồ Đình dưới cây đa trong khuôn viên Báo Nhân Dân Những năm gần đây, các đồng chí phóng viên trẻ, khi mới về cơ quan thường được Vụ Tổ chức cán bộ và các bộ phận có liên quan mời đến phòng truyền thống để nghe giới thiệu về những trang sử vẻ vang của tờ báo Đảng. Được nghe những câu chuyện về đời, về nghề của các đồng chí lãnh đạo báo, phóng viên qua các thời kỳ dưới gốc cây đa cổ thụ. Đó là những câu chuyện từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay khi Báo Nhân Dân đặt trụ sở tại 71 phố Hàng Trống. Trước đó, nửa đầu thế kỷ XIX nơi đây có trường học Hồ Đình của tiến sĩ Vũ Tông Phan. Trường nằm ở phía tây Hồ Gươm, một vùng đất mà những người đương thời gọi là vùng đất văn hóa Thăng Long. Vũ Tông Phan, tự là Hoán Phủ, hiệu là Đường Xuyên và Lỗ Am ( còn gọi là Vũ Như Phan, Vũ Phan, Vũ Tự Tháp). Ông quê gốc ở làng Hoa Đường (nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương). Đến khoa thi 1819 ông đỗ Tú tài, khoa thi năm Ất dậu ( 1825) ông đỗ cử nhân và năm Bính Tuất ( 1826) ông đỗ tiến sĩ. Từ những ngày thơ ấu Vũ Tông Phan được thân phụ mình ngày đêm săn sóc và dìu dắt trên con đường học tập và làm người. Sau khi đỗ tú tài ông lại có may mắn nữa là được học cậu ruột của mình- nhà trí thức lỗi lạc của Bắc Hà là cụ Lập Trai Phạm Quý Thích. Cụ Phạm là người có công lớn đào tạo ra một đội ngũ đông đảo tri thức sinh ra ở Thăng Long hoặc về Thăng Long học tập. Những trí thức này trong đó có Vũ Tông Phan đã thành công rực rỡ trên con đường khoa bảng và theo gương của thầy mình, đã suốt đời nêu cao đạo lý và phẩm chất của kẻ sĩ. Vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, chúng ta được nghe nhiều thông tin, sử tích về một 1000 năm của kinh đô Thăng Long. Tuy vậy lịch sử 1000 năm của đất kinh đô này không phải lúc nào cũng “ xuôi chèo, mát mái”. Vào thế kỷ XIX, kinh đô Thăng Long không còn là kinh đô nữa mà chỉ là cố đô, không còn được gọi là đất rồng bay nữa mà chỉ được gọi là vùng đất phát triển. Dù vậy trong mọi hoàn cảnh người dân, nhất là sĩ phu Bắc Hà vẫn luôn coi mình là công dân của đất kinh đô hiếu học, thanh lịch và năng động, . Một trong những người đi đầu tư tưởng đó vào đầu thế kỷ XIX đó là tiến sĩ Vũ Tông Phan. Trong khi nhà Nguyễn hạ thấp và dần bỏ vai trò đại học của Văn Miếu- Quốc Tử Giám thì chính Vũ Tông Phan có công lớn khởi xướng lập một trung tâm văn hóa - giáo dục khác cho Thăng Long chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 1836 ông đã cùng nhiều thân sĩ dựng lập Văn chỉ Thọ Xương, đứng đầu văn hội Thọ Xương. Rồi ông tập hợp sĩ phu Hà thành lập Hội hướng thiện và soạn văn bia Ngọc Sợn Đế quân từ kí (Bài kí đền thờ Đế quân ở Ngọc Sơn). Cuối năm 1848 Vũ Tông Phan trao lại trường Hồ đình cho người con cả là tú tài Vũ Như Trâm, lui về dạy trẻ tại nhà học Giang đình ( thôn Kim Giang, tổng Đô Lỗ, huyện Sơn Minh nay thuộc xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, Hà Nội và mất ở đó. Đánh giá sự đóng góp của Vũ Tông Phan đối với sự phát triển của đất Thăng Long đầu thế kỷ XIX, PGS Lê Thu Giang chuyên ngành nghiên cứu văn học, Viện Thông tin Khoa học Xã hội cho rằng: Ở tiến sĩ Vũ Tông Phan có sự kết hợp nhuần nhị giữa hoạt động giáo dục khai sáng, hoạt động văn hóa và hoạt động thi ca. Ông vừa là một danh sư Bắc Hà ở nửa đầu thế kỷ XIX, từng đào tạo nhiều môn sinh đỗ đạt cao, chẳng những trở thành danh thần, danh sĩ dưới triều Nguyễn mà còn là những sĩ phu yêu nước thương dân , về sau hầu hết đứng về phe chủ chiến chống thực dân Pháp xâm lược như Hoàng giáp Thượng thu Bộ Lại Nguyễn Tư Giản; Hoàng giáp Đốc học Hà Nội Lê Đình Diên , các Phó bảng Phạm Hy Lượng và Dương Danh Lập, các cử nhân Vũ Duy Ninh, Ngô Văn Dạng…Đồng thời ông cũng là một nhà hoạt động văn hóa lỗ lạc , cùng các sĩ phu yêu nước khởi xướng công cuộc chấn hưng văn hóa Thăng Long, sáng lập đền Ngọc Sơn như một cơ sở giáo hóa sĩ nhân, in khắc và tàng trữ sách, giảng đạo lý cổ truyền, duy trì thuần phong mỹ tục …Vũ Tông Phan còn là một nhà thơ lớn của đất Thăng Long, bạn xướng họa với thần siêu thánh Quát, để lại một di sản thơ ca phong phú gồm hơn 400 bài thơ văn thấm đượm tinh thần yêu nước thương dân , tình cảm giao hòa với thiên nhiên , đất nước con người cùng tâm tư của người tri thức đầy trách nhiệm trước vận nước. Không phải ngẫu nhiên mà một số nhà nghiên cứu cho rằng Trường Đông Kinh nghĩa thục là sự tái hiện rực rỡ của Trường Hồ Đình và các trường khác thời Vũ Tông Phan. Theo GS Vũ Khiêu Vũ Tông Phan lớn lên khi Thăng Long không còn là Thủ đô mà chỉ còn ở vị trí của một quận huyện thuộc Bắc thành. Tuy nhiên hào khí Thăng Long, ánh sáng của tám thế kỷ văn hiến vẫn tiếp tục chiếu rọi vào nhận thức, tình cảm , hành vi của con người Thăng Long. Có thể nói là tám trăm năm văn hiến Thăng Long đã tạo nên một sức mạnh tinh thần dắt dẫn ý thức và việc làm cho đông đảo nhân dân, trước hết là tầng lớp trí thức. Trong khi nhà Nguyễn dồn sức của, sức người vào xây dựng kinh đô mới của mình thì cố đô Thăng Long lâm vào hoàn cảnh suy thoái về mọi mặt . Hai chữ Thăng Long, hai chữ thiêng liêng suốt bao thế kỷ đã là niềm tự hào trong tâm khảm nhân dân toàn quốc, thì triều đình nhà Nguyễn lại muốn xóa nó đi . Trước hết là đổi chữ Long là rồng, thành chữ long là thịnh . Sau xóa bỏ hẳn chữ Thăng Long đi và đổi tên Thăng Long thành Hà Nội. Noi gương danh sĩ Phạm Quý Thích, một loạt trường tư được thành lập chung quanh hồ Hoàn Kiếm . Vũ Tông Phan chuyển “ giang quán” của mình đến thôn Tự Tháp và dựng hẳn một ngôi nhà năm gian gọi là Hồ Đình đã khiến Hồ Gươm thật sự trở thành trung tâm đại học mới của Hà Nội. Theo Vũ Thế Khôi khoảng từ năm 1824-1825 ở đầu thôn tự tháp đã có một trường đại tập khác của ông Phạm Hội vừa là đồng hương vừa là đồng môn với ông Vũ Tông Phan. Hai học trò của Vũ Tông Phan là cử nhân Ngô Dạng và cử nhân Nguyễn Huy Đức còn mở thêm hai trường nữa ở hai đầu- ở đầu phương Kim cổ (đầu phố Hàng Gai ngày nay) và ở phường Vũ Thạch (bây giờ là khu nhà số 7 Tràng Thi). Như vậy sang thế kỷ thứ XIX, không phải là khu Văn miếu- Quốc Tử Giám nữa mà chính bờ phía Tây Hồ Gươm mới là trung tâm đại học và văn hóa Hà Nội. Tất cả các trường nói trên đã thu nhận hàng nghìn học sinh cùng học tập trước sự hướng dẫn và giảng dạy của Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu và nhiều học giả khác. Các ông đã bồi dưỡng cho thế hệ trẻ về ý nghĩa chân chính của những tác phẩm thời xưa, về phẩm chất của người trí thức hôm nay , về vận mệnh của tổ quốc sau này. Đánh giá về sự nghiệp của tiến sĩ Vũ Tông Phan, GS Vũ Khiêu khẳng định: Sĩ khí Thăng Long mà Vũ Tông Phan và các đồng chí của ông mất bao nhiêu công xây dựng, đã củng cố thêm sự vững chắc của nền văn hiến Thăng Long rực rỡ và bất diệt. Vũ Tông Phan sinh năm nào? Mất năm nào? Khi nào mở trường Hồ Đình? Nhiều tài liệu nói không thống nhất. Chỉ đến tháng 10-1982 khi các nhà khoa học phát hiện ra tấm bia “ Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường kí”( bài ký về nhà thờ thầy Vũ Lỗ Am) thì các thông tin nói trên mới sáng rõ. Bia cao 1,44m ( không kể chân bia), rộng 0,75 m, dầy 0,17m được làm bằng đá cứng mầu ngà, chia làm ba phần: trán, thân và chân bia. Bia khắc một mặt, đá được mài nhẵn trước khi chạm khắc. Phần trong lòng bia khắc 20 dòng chữ Hán theo một cột dọc từ phải qua trái, hàng lối tề chỉnh, nét khắc chữ rõ ràng. Tất cả có 576 chữ. Tấm bia Vũ Tông Phan do các học trò của trường Tự Pháp dựng để kỷ niệm thầy học của mình vào năm Tự Đức thứ 26 ( 1873). Lúc đầu tấm bia này được dựng trước nhà thờ, nơi mà lúc sinh thời ông xây dựng trường Hồ Đình. Sau nhà thờ dời xuống làng Bạch Mai, cạnh chùa Liên Phái rồi lại chuyển xuống gần xưởng lơ Vũ Tạo ( nay thuộc phường Đại La). Sau đó nhà thờ lại chuyển. Bia chưa kịp mang theo thì cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Bia bị đổ xuống ao, sau được đưa lên… Từ tấm bia mới tìm thấy, nhất là dựa trên “ văn bia” này PGS.TS Đinh Khắc Thuân (Phó Tổng biên tập tạp chí Hán Nôm) và Đinh Tú ( Thành viên Tổ Sử Phả Thiện Ngọc Sơn) các nhà khoa học đã khẳng định: Thứ nhất về năm sinh của Vũ Tông Phan Theo Đăng khoa lục, tài liệu thành văn tin cậy, mà hầu hết các tác giả viết về Vũ Tông Phan thường trích dẫn thì Vũ Lỗ Am đỗ tiến sĩ vào năm Minh Mạng thứ bảy ( 1826), năm ấy ông vừa 23 tuổi. Sự kiện này văn bia cũng ghi tương tự, Do đó có thể khẳng định Vũ Tông Phan sinh năm 1804. Thứ hai về năm mất của tiến sĩ Vũ Tông Phan Các tác phẩm Lược truyện các tác gia Việt Nam; Danh nhân Hà Nội đều viết rằng Vũ Tông Phan mất vào năm 1862, nhưng trên bia lại ghi ông mất vào năm Tân Hợi (năm 1851) và cho biết thêm “ ba năm sau hết tang, các môn đồ cùng bàn với người con nối dõi là Như Trâm xây nhà thờ… làm xong vào tháng 9 năm Ất Mão (năm 1855). khẳng định: Vũ Tông Phan mất năm 1851, hưởng thọ 48 tuổi. Thứ ba về thời gian Vũ Tông Phan treo ấn từ quan mở trường dạy học Cả văn bia và các tài liệu khác đều nói không chính xác. Năm 1841, Vũ Tông Phan bắt đầu xây dựng lại đền Ngọc Sơn và hoàn thành công việc này vào năm 1843, cùng năm ấy con trưởng của ông là Như Trầm thi đỗ tú tài. Năm 1844 , Nguyễn Tư Giản trưởng tràng trường Tự Tháp đỗ tiến sĩ. Nếu căn cứ vào văn bia Ngọc Sơn Đế quân từ kí do ông soạn hiện vẫn còn dựng tại đền Ngọc Sơn và những mốc thời gian nói trên , thì ít ra Vũ Tông Phan cũng dựng trường dạy học vào năm 1841, mà có thể còn sớm hơn. Sự kiện Vũ Tông Phan từ quan về nhà dạy học có thể xảy ra vào cuối thời Minh Mạng mà mốc cuối cùng là 1841. Tấm bia Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường kí do các học trò của Vũ Tông Phan tạo dựng để kỷ niệm thầy học dưới sự chỉ đạo của Thượng thu bộ lại Nguyễn Tư Giản, nguyên trưởng tràng trường Tự Tháp hồi theo học ông. Việc dựng tấm bia này lẽ ra phải làm ngay sau khi dựng xong nhà thờ (1855) hay chỉ sau đó vài năm mới đùng. Thế mà mãi 22 năm sau khi Vũ Tông Phan từ trần , các học trò của ông mới dựng bia. Tấm bia Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường kí là một hiện vật quý. Nó không chỉ giúp thêm cho việc tìm hiểu nhân vật lịch sử Vũ Tông Phan- một nhà nho, một nhà giáo yêu nước hồi thế kỷ XIX mà còn là một tài liệu thành văn giúp cho việc tìm hiểu lịch sử của Hà Nội nói riêng của cả nước nói chung trong những năm đầu tiên chống thực dân Pháp xâm lược. Ngoài ra tấm bia còn giúp cho việc tìm hiểu chế độ khoa cử và trang trí điêu khắc thời Nguyễn. Đó là một di vật cổ cần được bảo vệ giữ gìn. Nhiều người đặt câu hỏi tấm bia đá “Lỗ Am Vũ tiên sinh từ đường kí” hiện nay đặt ở đâu? Qua tìm hiểu chúng tôi được biết tấm bia đó đang được đặt tại đền Ngọc Sơn, chính xác là tại nhà đặt tiêu bản Rùa hồ Hoàn Kiếm. Tấm bia được chuyền về đền vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Như vậy là sau gần 140 năm kể từ khi các học trò dựng tấm bia trên nền trường Hồ Đình (trong khuôn viên Báo Nhân Dân hiện nay) để tưởng nhớ thầy của mình là tiến sĩ Vũ Tông Phan, tấm bia đã trở về với vùng đất văn hóa Hồ Gươm. Tấm bia đá, cây đa cổ thụ trong khuôn viên Báo Nhân Dân vẫn tươi tốt là “nhân chứng” sống kể cho chúng ta và thế hệ mai sau về vùng đất văn hóa Hồ Gươm; về tinh thần chống Pháp của sĩ phu Bắc Hà nửa đầu thế kỷ XIX, với một con người tiêu biểu là Tiến sĩ Vũ Tông Phan. Hà Hồng Tài liệu tham khảo: - Lịch sử Thủ đô Hà Nội- - Vũ Tông Phan với văn hóa Thăng Long-Hà Nội (NXB Lao Động- Vũ Thế Khôi chủ biên) Generated by Bo-blog 2.1.1 Release