Tiêu đềMột người Hà Nội ThuộcHà Hồng | Hồ Hoàn Kiếm | Kỷ niệm riêng của mỗi người Th.gianSun, 03 Jun 2012 15:56:08 +0000 Tác giảMr.Hohoankiem Địa chỉmot-nguoi-ha-noi-t524/ Nội dung (ANTĐ) - Bà Cả Mọc là con gái cụ Cử Hoàng Đạo Thành người làng Kim Lũ. Trước kia làng này thuộc xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Kim Giang, quận Thanh Xuân. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Đạo Thúy, bà Cả Mọc có thể sinh vào năm 1870 (mất năm 1947). Lấy chồng được mấy năm thì chồng mất, bà ở vậy phụng dưỡng mẹ chồng. Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới http://hohoankiem.org/attachment.php?fid=527 Bà Cả Mọc Nhà chồng ở Hạ Đình (nay là phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) không có ruộng nên mờ sáng bà cùng với nhiều người làng đi bán hàng thuê ở phố Hàng Đào. Khi mẹ chồng đi ở chùa, bà thuê nhà ở ngõ nhỏ phố Hàng Bạc rồi vay vốn bạn bè, chị em mở một cửa hàng nhỏ bán tơ lụa ở phố Hàng Đào lấy tên là hiệu Nghĩa Lợi. Nhờ buôn bán thật thà, không nói thách nhiều nên cửa hàng tơ lụa của bà ngày một đông khách. Ngoài khách mua lẻ, còn có khách các tỉnh lên cất hàng về bán ở các vùng quê. Tuy nhiên sau nhiều năm buôn bán nhưng vốn liếng của bà vẫn không có là bao vì cứ nghe tin ở đâu có lũ, có người đói là bà không yên lòng. Không đi được thì gửi tiền qua bạn bè nhờ phát hộ. Năm 1923, Nam Định, Thái Bình bị lụt lội nên dân đói ăn nằm la liệt. Bà lấy tiền nhà ủng hộ, hết tiền, bà đi quyên chị em, bạn hữu và bà con buôn bán rồi nhờ thanh niên đi phát cùng. Khi cụ thân sinh bỏ quan về nhà ở ẩn thì bà cùng với người em gái phụng dưỡng bố, nuôi hai em và hai cháu mồ côi. Gặp một em bé bị bỏ bên đường, bà bế về nuôi và quý như con. Người con nuôi sau này lớn lên đi theo cách mạng, vì tham gia hoạt động bí mật đã bị Pháp bắt. Quan Pháp cho lính đến nhà bà xét hỏi và gây khó dễ suốt mấy tháng liền. Khi các em, các cháu đã trưởng thành và tự lo được cho bản thân; bà cũng đã hoàn thành được tâm nguyện của mẹ chồng là có một ngôi chùa để tụng kinh gõ mõ, bà bắt đầu rảnh rang hơn và bắt đầu làm được nhiều việc thiện hơn. Năm 1931 (hoặc1932), bà đến gặp ông chủ báo Trung Bắc Tân văn là Nguyễn Văn Vĩnh đặt vấn đề muốn lập hội Tế Sinh giúp trẻ nghèo, ông Nguyễn Văn Vĩnh bảo, sao bà không đứng lên chúng tôi sẽ ủng hộ. Thế là bà quyết tâm làm. Trước tiên bà vận động bạn bè, những người thân thích sau đó bà vận động chị em buôn bán ở Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Bạc... nhiều người ủng hộ mong muốn của bà và đồng ý tham gia. Bà được bầu làm hội trưởng, ông Hoàng Đạo Thúy, em bà làm phó chủ tịch hội. Bà Cả Mọc bỏ tiền mua miếng đất hơn 1.000m2 ở ngõ Hàng Đũa (nay là phố Ngô Sỹ Liên) để xây Nhà Tế Sinh. Bà nhờ kiến trúc sư Đào Huân thiết kế với chỗ ăn, chỗ nghỉ và chỗ chơi cho trẻ. Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới http://hohoankiem.org/attachment.php?fid=528 Một góc Hà Nội (Tranh: Bùi Xuân Phái) Trên cổng ra vào bà cho đắp một khẩu hiệu “Yêu con mình, yêu cả con người”. Hội Tế Sinh trao trại trẻ này cho các Hướng đạo sinh Hà Nội để họ trông nom và dạy dỗ trẻ. Bên trong trại, bà Cả Mọc cũng cho kẻ khẩu hiệu “Tất cả vì trẻ con” trên các bức tường. Các hướng đạo sinh Ngô Bích San và Phạm Lợi khi đó còn trẻ đã tổ chức lớp mẫu giáo đầu tiên của Hà Nội. Nhà mẫu giáo rộng 150 mét vuông có bàn học ghế và đồ chơi. Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc đã vẽ hình các tiên nữ, hoa và cỏ cây khiến cho trại trẻ sinh động và gần gũi với trẻ em. Nhà trẻ bắt đầu nhận trẻ nhưng nhiều người không hiểu được đã mang trẻ ốm yếu, trẻ bị bỏ rơi đến bởi họ nghĩ đó là nơi làm phúc. Nhờ có ông Nguyễn Văn Vĩnh và nhiều nhà báo khác đăng miễn phí liên tục mục đích của nhà Tế Sinh trên nhiều tờ báo nên người ta mới hiểu được hoạt động của lớp mẫu giáo này. Sáng họ mang con đến, chiều họ đón con về. Hội có người tắm rửa, cho ăn. Hội Tế Sinh không thu một đồng nhưng ai có lòng hảo tâm tặng quà hay tiền thì hội nhận. Người bận đi xa nhiều ngày, nhà Tế Sinh nhận trông coi và cho ăn uống đầy đủ mà không lấy một đồng bạc. Nhiều người Pháp đến thăm và họ không ngờ “An Nam” mà lại có nhà trẻ đầy tính nhân ái vì mô hình này ở châu Âu thời điểm đó cũng chỉ có rất ít. Trong cuốn tiểu thuyết “Trúng số độc đắc” của nhà văn Vũ Trọng Phụng xuất bản năm 1938, ông đã kể xúc động về nhà Tế Sinh vì ông thường xuyên đến thăm trại. Vua Bảo Đại lúc đó đọc trên báo mới biết và quyết định ra thăm hội. Hôm đó bà cử ông Lại (phụ trách tiếp khách) tiếp Bảo Đại còn bà vẫn cứ buôn bán bình thường. Khi vua cho gọi thì bà mới đến. Vua Bảo Đại cũng không ngờ nước Nam lại có một trại trẻ văn minh đến như vậy. Về Huế, vua Bảo Đại ban cho bà bảng vàng nhưng bà từ chối. Ngự tiền văn phòng lúng túng không biết tâu thế nào vì chưa có ai từ chối những thứ vua ban. Nói thế nào bà cũng không nhận và nhất mực: “Đó là việc làm bình thường”. Thế nhưng năm sau, phụ nữ Vinh tặng bà bức hoành “Gia đình theo Phật” thì bà lại nhận. Tháng 3-1946, Bác Hồ cho mời bà lên Bắc Bộ phủ và dùng trà. Bà Cả Mọc rất cảm kích trước những lời khen ngợi của Bác Hồ nhưng bà bảo những việc bà làm không có gì to tát so với nhiều người Hà Nội lúc đó. Khoảng năm 1943, bà Cả Mọc mua mảnh đất ở Nội Bài (nay thuộc huyện Sóc Sơn) xây dãy nhà để đón các lão ông, lão bà không nơi nương tựa về ở và trong mấy năm bà nuôi khoảng gần 30 người. Không chỉ nuôi ăn mà bà còn cho mời bác sỹ từ Hà Nội lên để khám và chữa bệnh. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, bà đưa các cháu lên ấp này và mất ở đó năm 1947. Cửa hàng tơ lụa xưa (nay là 25 Hàng Đào) vẫn còn và nhà Tế Sinh hiện là Bệnh viện Hồng Hà-16B phố Nguyễn Như Đổ, ga Trần Quý Cáp (trước đó là trạm tiếp vận của ngành đường sắt). Giờ thì phường nào, xã nào trên cả nước cũng có nhà trẻ, nhà mẫu giáo. Tuy nhiên nhiều người không biết Nhà Tế sinh là nhà trẻ đầu tiên ở Việt Nam do một người Hà Nội có tấm lòng nhân ái gây dựng. Nguyễn Ngọc Generated by Bo-blog 2.1.1 Release