Tiêu đềBảo vệ Rùa Hồ Gươm: Cách nào và bao giờ? ThuộcHà Hồng | Hồ Hoàn Kiếm | Kỷ niệm riêng của mỗi người Th.gianFri, 18 Feb 2011 22:20:18 +0000 Tác giảMr.Hohoankiem Địa chỉbao-ve-rua-ho-guom-cach-nao-va-bao-gio-t276/ Nội dung Bấm xem ảnh ở cửa sổ mới http://hohoankiem.org/attachment.php?fid=127 NDĐT- “Hội thảo khoa học quốc tế về bảo vệ Rùa Hồ Hoàn Kiếm” cuối cùng cũng được tổ chức trong sự hồ hởi của nhiều người, cả giới khoa học lẫn người dân Thủ đô. Trước đó, thông tin về những vết thương trên mình cụ Rùa đã khiến nhiều người giật mình thon thót mỗi khi nghĩ đến sự tồn vong của biểu tượng linh thiêng Hà Nội này. Chính vì vậy, nhiều người kỳ vọng, đây sẽ là một tín hiệu mừng. Làm thế nào để chữa trị những vết thương cho cụ Rùa, tìm ra nguyên nhân gây nên những vết thương, đó là nội dung được nhiều các giáo sư, nhà khoa học quan tâm nhất tại cuộc hội thảo này. Mọi người đều nhất trí rằng, chậm trễ trong việc điều trị các vết thương trên Rùa Hoàn Kiếm có thể sẽ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tiến sĩ Phan Thị Vân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh thuỷ sản miền Bắc, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản, cho biết: “Chúng ta phải dựa trên tiêu chí xem rùa là loài động vật quý hiếm và xử lý các vết thương trên cơ sở khoa học. Tôi nghĩ là đưa rùa trên cạn và lấy mẫu phân tích để trị vết thương đồng thời phải xử lý nước Hồ Gươm…” Vấn nạn rùa tai đỏ thực sự trở thành một tai hoạ đối với cụ Rùa. Giáo sư Hà Đình Đức, người được mệnh danh là nhà “rùa học” tỏ ra rất bức xúc. Ông cho rằng: “Việc rùa nổi nhiều trong thời gian gần đây là một việc không bình thường. Việc cấp bách hiện nay là phải đưa lên bờ ngay để điều trị chứ không phải là ngồi đây để thảo luận. Ngoài ra, bằng mọi giá phải bắt hết rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, trả lại môi trường sống tốt nhất cho cụ”. Không cần phải nghiên cứu nhiều, chỉ cần bằng quan sát cũng nhận thấy rằng nguyên nhân gây ra những vết thương trên mình cụ Rùa là khá nhiều. Có thể kể ra một số như: các loại câu quăng do người dân dùng để câu cá, lưới, những vật sắc, nhọn được vứt xuống hồ vô tội vạ, vết lở loét do ô nhiễm môi trường nước, thiếu dinh dưỡng, rùa tai đỏ tấn công… Ông Hà Hồng, Phó trưởng ban Khoa giáo, báo Nhân Dân, một người nhiều năm nghiên cứu về Rùa Hồ Gươm, cho biết: “Nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là vết thương cho cụ rùa. Nhưng cứu rồi mà cụ quay về mới môi trường nước ô nhiễm như thế còn tai hại hơn. Cho nên chữa vết thương cần song song với nạo vét hồ để tạo ra môi trường trong sạch”. Tuy nhiên, việc chữa trị như thế nào, đưa lên đâu để chữa trị cũng là đề tài gây nhiều tranh cãi. Tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh thì cho rằng, mọi nguyên nhân gây ra và tác động vào vết thương cần được giải quyết đồng bộ. Theo ông nên áp dụng giải pháp đã được sử dụng cho việc điều trị các vết lở loét trên mình cá tầm đối với việc chữa trị các vết thương cho cụ Rùa. Thạc sĩ Đặng Kim Vạn-Trưởng Bộ môn Nuôi trồng thuỷ sản-Đại học Nông nghiệp Hà Nội nói rằng, không nên đưa cụ Rùa lên khỏi môi trường sống quen thuộc, mà chỉ đưa cụ lên cạn mỗi lần chữa trị (bằng cách tiêm hoặc bôi thuốc). Như thế mới đảm bảo được sự tồn tại của cụ Rùa. Tại hội thảo, cũng có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về nguồn gốc cụ Rùa. Một cho rằng là Rùa Hồ Gươm là giống rùa duy nhất trên thế giới. Ý kiến thứ hai cho rằng rùa Hồ Gươm, rùa Đồng Mô là một, có tên khoa học là Rafetus swinhoei (hiện chỉ còn bốn cá thể, hai cá thể còn lại đang được nuôi nhốt ở Trung Quốc). Chính vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, để bảo tồn giống rùa linh thiêng này, không còn cách nào khác là phải tìm ra nguồn gốc của cụ Rùa bằng cách phân tích mẫu AND để nhân giống trước khi quá muộn. Giáo sư Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam, nói rằng: “Cần có giải pháp tổng thể chứ không phải chỉ hội thảo là xong, rồi bỏ đó, chúng tôi là nhà các nhà khoa học thì chỉ phát biểu, quyết định chính vẫn là các nhà quản lý”. Bảo vệ cụ Rùa ở Hồ Hoàn Kiếm không phải là nhiệm vụ của cá nhân một cơ quan nhà nước, hay một tổ chức, tập thể nào. Nó là trách nhiệm của tất cả những người dân thủ đô nói riêng và những người yêu mến sự tích linh thiêng của Hồ Hoàn Kiếm nói chung. Tuy nhiên, tại một cuộc hội thảo to như thế này, đến phóng viên, báo chí còn không được mời, huống hồ là những người dân. Những ý kiến chúng tôi góp nhặt được đều là ngoài lề hội nghị. Ai cũng biết, việc chẩn bệnh là điều cần thiết đối với một bệnh nhân trước khi được chữa trị, nhưng hiện tại, những vết thương của cụ Rùa ngày càng nhiều, sức khoẻ ngày càng bị ảnh hưởng, nhưng giải pháp thế nào thì vẫn đang nằm ở phía trước. Và trong khi chờ một phương án khả thi của Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội thì người dân ìa Nội chỉ còn biết cầu mong sao cho cụ Rùa đủ khoẻ để chờ ngày “nhập viện”. Nhà báo Hà Hồng-Phó ban Khoa giáo, báo Nhân Dân: Nên giao việc này cho các nhà khoa học PV: Thưa ông, là người nhiều năm nghiên cứu về rùa Hồ Gươm và trực tiếp tham gia hội thảo do Sở KHCN HN tổ chức, ông có ý kiến gì về việc làm cấp bách hiện nay trong việc chữa bệnh cho cụ Rùa? Nhà báo Hà Hồng: Theo tôi giải pháp cấp bách nhất hiện nay là phải đưa cụ Rùa lên bờ để chẩn bệnh cho cụ và sau đó xây dựng một phác đồ điều trị riêng. Tuy nhiên, nếu cụ rùa được chữa khỏe mạnh rồi mà trở về môi trường ô nhiễm như hiện tại thì không ổn chút nào. Chính vì thế, song song với việc chữa bệnh cho cụ, phải cải tao, nạo vét bùn Hồ Hoàn Kiếm, rà soát lại xem dưới lòng hồ có vật nào sắc nhọn không, vì nó chính là nguyên nhân gây ra vết thương cho cụ. PV: Hiện có nhiều luồng ý kiến cho rằng, để giữ gìn sự linh thiêng của rùa Hồ Hoàn Kiếm thì cần phải xác định nguồn gốc thực sự của cụ và tìm ra phương pháp nhân giống. Ông nghĩ sao về việc này? Nhà báo Hà Hồng: Trong quá trình tìm hiểu cụ Rùa Hồ Hoàn Kiếm các nhà khoa học đang có hai trường phái khác nhau. Cho rằng Rùa Hồ Hoàn Kiếm, Đồng Mô và Thượng Hải là một phái. Trường phái thứ hai là do PGSTS Hà Đình Đức cho rằng, rùa HHK là một loại rùa duy nhất trên thế giới và hai trường phái này đều đưa ra khác nhau. Thực ra trình độ khoa học hiện nay hoàn toàn có thể phân biệt được bằng cách xác định AND. Tuy nhiên vẫn chưa làm được vì cụ rùa gắn với tâm linh của dân tộc. Nếu chúng ta theo các nhà khoa học thì cho cụ rùa Hoàn Kiếm với rùa Đồng Mô gặp nhau để sinh sản. Nhưng có vấn đề đặt ra là liệu nên đưa cụ rùa ở Hoàn Kiếm đến Đồng Mô hay là đưa rùa ở Đồng Mô về Hoàn Kiếm. Mà di chuyển như thế, ai sẽ chịu trách nhiệm về tính mạng của cụ Rùa. Việc này cũng cần phải tiếp tục nghiên cứu chứ không vội vàng được. PV: Khi cuộc hội thảo này chưa bắt đầu thì đã có rất nhiều người dân quan tâm muốn tham dự và hiến kế. Vậy theo ông, có nên mở hẳn một diễn đàn để trưng cầu ý kiến người dân không? Nhà báo Hà Hồng: Cụ Rùa ở HHK từ rất lâu gắn với việc vua Lê trả Gươm nên chỉ cần cụ nổi là là cả nước đã quan tâm rồi, huống hồ đưa cụ lên bờ chữa bệnh càng làm mọi người quan tâm hơn. Họ quan tâm xem sẽ đưa cụ lên đâu, môi trường mới có đảm bảo không. Tuy nhiên chúng ta nên giao trách nhiệm này cho các nhà khoa học. Chúng ta là người dân chúng ta chỉ quan tâm đến việc đó mà mong những người có trách nhiệm làm hết sức mình mà thôi. PV: Kết luận cuối cùng về việc cứu cụ Rùa, theo ông bao giờ sẽ có? Nhà báo Hà Hồng: Chắc chắn hội thảo này là một áp lực, ép các nhà quản lý phải khẩn trương tìm ra các giải pháp nhanh vì vết thương trên cụ Rùa là có thật. Chúng ta phải đưa ra giải pháp nhanh nhất để chữa cho cụ Rùa. Tôi nghĩ rằng sẽ không lâu đâu. Xin cảm ơn ông! Generated by Bo-blog 2.1.1 Release