Hà Nội có "37 phố" Không rõ

[02/05/2017 16:54 | Phóng sự - Tản mạn | Nhận xét(0) | Đọc(4643) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Chúng ta đã biết ngày trước Hà Nội có 36 phố. Đó là các phố nghề như: Hàng Hòm, Hàng thiếc, Hàng bạc, Hàng chiếu, Hàng lược, Hàng bút…. Nay Hà Nội có thêm một phố “ Hàng sách”. Phố chuyên bán sách đã khai trương ngày 1-5-2017. Phố bán sách này nằm trọn trong phố 19-2 (một đầu phố giáp phố Lý Thường Kiệt, đầu phố còn lại giáp với phố Hai Bà Trưng). Trước kia còn gọi là phố Âm Phủ. Thời thuộc Pháp , phố có tên Rue Simoni, tên một viên quan Pháp đã có thời kỳ giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ (1909-1912). Năm 1945-1946, phố được đổi tên thành phố Lê Chân.
 

 
Năm 1946, 1947 , toàn quốc kháng chiến nổ ra ở Hà Nội, nơi đây thành khu mộ tập thể của các nạn nhân chết trong khu vực Hàng Bông - Cửa Nam. Năm 1986, di cốt các nạn nhân chiến tranh được chuyển đi nơi khác và phố được đặt tên mới là Phố 19 tháng 12 để kỷ niệm ngày Toàn quốc Kháng chiến và tưởng niệm các nạn nhân chiến tranh trong thời gian đó.

 

 
Chúng tôi nghe kể lại, chủ số nhà 65 phố Lý Thường Kiệt (nay là Đại sứ quán Cu Ba) là một nhà tư sản dân tộc. Vào thời kỳ “Hà Nội mùa đông năm 1946”, hai cha con trong số nhà đó đã dùng súng bắn nhau với quân Pháp. Sau đó họ bị bắt và bị quân pháp mang ra trước cổng nghĩa trang (quay ra phố Lý Thường Kiệt) để xử bắn.
 

Khi khai quật hài cốt, chuyển nghĩa trang đi nơi khác người ta còn phát hiện cả những bộ xương bị còng tay, còng chân. Nghi là xương của những người tù cách mạng giam trong Hỏa lò bị thực dân Pháp thủ tiêu rồi mang ra đây chôn.
 

Ngày nhỏ, khi có chuyện xích mích trong lớp, bọn con trai chúng tôi thường hẹn tới đây để đánh nhau, vì nơi đây yên tĩnh, không bị người lớn vào can, hơn nữa lớp cỏ êm cho nên có ngã cũng không đau. Tuy vậy có những lúc buổi tối vào mùa sấu chín, bọn trẻ chúng tôi hò nhau vào tòa án để nhặt sấu rụng, nhưng mỗi lần đi ngang qua đây cả bọn lại ù té chạy vì biết ụ đất cao trong con phố đấy  là nơi chôn xác người .

 

 
Sau khi nghĩa trang chuyển đi nơi khác, nơi đây thành chợ, rồi trở thành đường đi (vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội). Đây là con đường đi đặc biệt nhất thành phố,  do đường được lát bằng những miếng đá vuông, không trải nhựa như những con đường khác.
Một diễn giả nói một câu rất hay trong cuộc hội thảo nhân dịp khai trương phố sách: Hà Nội có phố Hàng bút, nay có thêm phố “hàng sách”, như vậy Hà Nội có thêm một phố nghề, và có 37 phố chứ không còn 36 phố như trước.

 

 
Việc UBND quận Hoàn Kiếm cho xây dựng phố sách,  đã tôn vinh việc đọc sách hơn nữa là tôn vinh tinh thần hiếu học, tiếp nối truyền thống của sĩ phu Bắc Hà xưa.
 
Hà Hồng
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 792 đã được: 3.9/10 (7 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share