Đài Nghiên rơi lệ Không rõ

[02/05/2013 10:27 | Thư viện | Nhận xét(0) | Đọc(8357) ]
   Nguồn: Tự viết || Sưu tầm | Lớn | Vừa | Nhỏ
hohoankiem.org
Khách hành hương, khách du lịch tứ xứ đến Thủ đô, hầu như ai cũng cố gắng một lần được tới ngưỡng vọng ngọn Tháp Bút sừng sững bên hồ Hoàn Kiếm cùng quần thể kiến trúc Tháp Bút - đền Ngọc Sơn, một công trình văn hóa đặc sắc vào loại bậc nhất của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi.

Highslide JS


Đặc biệt, ở cổng Nghiễn Đài (Đài Nghiên), ngẩng lên, ta thấy ba con cóc đội nghiên đá… Hình ảnh rùa đội bia trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ lâu đã trở nên quen thuộc với người hiện đại. Nhưng hình tượng cóc đội nghiên ở đây thì xem ra vẫn còn khá lạ lẫm…

Từ một ngôi đền nhỏ vừa là nơi thờ thần, vừa là nơi ngâm vịnh thơ phú, giảng kinh sách, khuyến thiện và khuyến học, cụ Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cùng với án sát Lương Hiên Đặng Huy Tá đã đứng ra vận động cải tác công trình liên hoàn “Đền Ngọc Sơn - cầu Thê Húc - Tháp Bút - Đài Nghiên” trở thành một biểu tượng văn hóa của kẻ sĩ Bắc Hà. Đình Trấn Ba được dựng mới trong đền với ý nghĩa “là trụ cột đứng vững giữa làn sóng văn hóa” (Văn bia đền Ngọc Sơn). Cái khí phách độc lập, tự chủ đó của người trí thức Bắc Hà còn được thể hiện rõ nét hơn với biểu tượng ngọn Tháp Bút “Tả Thanh Thiên”: viết lên trời xanh, viết giữa thanh thiên bạch nhật!

Nhiều nhà nghiên cứu đã dày công khảo sát cụm di tích và tìm hiểu kỹ lưỡng từng biểu tượng, từng vế câu đối, từng dòng văn, từng đại tự nơi đây. Nhà bảo tàng học Phạm Đức Huân đã dành nhiều năm tháng để phát hiện ra cấu trúc “Cuốn sách mở giữa trời” (gồm 32 trang sách mở) của cụ Siêu; và Đài Nghiên có thể nói là “trang sách” quan trọng bậc nhất của nó.

Mặt trước Đài Nghiên có vế câu đối quan trọng: “Kình thiên bút thế thạch phong cao” (Thế bút chống trời cao như ngọn núi đá) - tương ứng với tinh thần Tháp Bút xây phía ngoài. Mặt sau Đài Nghiên có đại tự Ngọc Sơn Từ, có nghĩa đền thờ Ngọc và Núi - đền thờ sự trong sáng và sự cao đẹp.

Nhưng đặc sắc nhất của phần Nghiễn Đài là ở trên đỉnh Đài Nghiên - ở đó có một nghiên đá (vốn dùng để pha mực tàu viết chữ Nho) hình nửa quả đào đặt trên ba con cóc được khắc nguyên tảng, liền khối với bệ gạch. Ba con cóc cùng há miệng như đang cùng kể, cùng nói điều gì hân hoan sau những ngày ngậm miệng…

1. Bài minh khắc chữ Hán trên mặt nghiên đá cho ta thấy hình ảnh một loại người không góc cạnh, không tròn trịa, không ở cao cũng không ở thấp, nhìn đời rộng rãi, hướng tới tầm cao, ứng với bậc “bề trên” mà nhả lời rành rọt nhẹ nhàng… Ông Phạm Đức Huân dịch nghĩa theo thể minh khắc: “Xưa kia/Khoét đất làm nghiên/Chú kinh Đạo Đức/Đẽo đá làm nghiên/Viết sách Xuân Thu/Hòn đá cái nghiên/Không hẳn hình gì/Không vuông không tròn/Khéo chứa được việc/Không cao không dưới/Ở vào chính giữa/Cúi nhìn Hoàn Kiếm/Ngửa trong ngọn bút/Ứng với “bậc trên” nhả lời rõ ràng/Ngậm nguyên khí cọ với hư không - Gã Phương Đình đề bài minh/Thọ tháp viết chữ” (Tháp Bút - Đài Nghiên - Đình Trấn Ba - Lời nhắn của người xưa. NXB Văn hóa - Thông tin 2006).

2. Đặt nghiên đá trên đỉnh Đài Nghiên, cụ Siêu đã dẫn dắt người vãn cảnh rời khỏi mặt đất đi lên, đứng ở sàn đài thông thoáng mà nói với mọi người rằng, phải nể trọng và bảo vệ loại người không vuông không tròn này để họ làm được nhiều việc có ích cho đất nước. Như vậy, cách đây gần 150 năm (quần thể này được cải tác vào năm 1865), cụ Siêu đã tha thiết kêu gọi: Cần biết sử dụng trí tuệ tài năng của kẻ sĩ (đứng đầu trong sĩ - nông - công - thương)!

Song, số phận của Đài Nghiên thực chẳng dễ chịu gì: bài minh sau một thời gian hình thành đã bị đục bỏ đúng 5 chữ “Thượng thai nhi thổ vân vật” - nghĩa là: ứng với “bậc bề trên”. Những kẻ thóc mách nịnh bợ cho rằng: những chữ đó phơi ra giữa trời là xấc xược với bề trên, nên tìm cách đục bỏ đi… Điều này càng cho thấy rõ: Cụ Siêu đã phải sống qua những ngày cam go, sóng gió trước và sau khi treo ấn từ quan ở Huế về quê dạy học, không thể nói thẳng ý mình - giống như ở rất nhiều chữ trong toàn thể cụm di tích khiến người ngày nay đang phải suy luận, tranh cãi… Cũng may, bài minh còn được ghi lại cả trên cuốn thư ở cổng Nghiễn Đài nên nhà nghiên cứu mới biết rõ chữ gì đã bị đục bỏ!

Có người kể lại câu chuyện: án sát Hà Nội là Vũ Nhự (người kế nhiệm án sát Đặng Huy Tá) đã cho đục 5 chữ trên để lấy lòng triều đình trung ương lúc bấy giờ đương ở Huế. Nhà ông ta ở huyện Thọ Xương - Hà Nội (chỗ phố Hàng Khay ngày nay), vốn là gia đình thi thư. Chưa có bằng chứng cụ thể để khẳng định “thủ phạm” chính là ông án sát họ Vũ. Nhưng nếu như không phải do người có quyền lực cao nhất của địa phương - lại là ở cố đô Thăng Long - sai bảo, thì ai dám làm cái việc kinh thiên động địa ấy, giữa thanh thiên bạch nhật? Khi biết chuyện đục chữ, những người gia đình họ Vũ đã họp lại, phê phán viên án sát đã không nối tiếp được gia phong, không tôn trọng văn chữ của một bậc thầy được người đời tôn xưng là “Thần”. Viên án sát họ Vũ nhận lỗi, hối hận. Mấy ngày sau, dân Hà Thành nghe tin viên quan ấy nhảy xuống giếng nhà tự tử vì hổ thẹn…

Cùng với những câu chữ trên Đài Nghiên, hàng trăm câu chữ khác trong cụm di tích - mà phần lớn là của cụ Siêu - cho ta thấy rõ tâm tư, nguyện vọng của cụ: Người trí thức chân chính giác ngộ cái sứ mệnh dùng văn hóa và tâm hồn cao khiết của mình để làm trụ cột cho tinh thần dân tộc!

Tìm về làng Lủ, Đại Kim, quận Hoàng Mai, quê hương của “Thần Siêu”, chúng tôi vào thắp hương cho cụ ở từ đường họ Nguyễn (hiện do đạo diễn điện ảnh Tự Huy - cháu bốn đời của cụ cai quản), được đọc gia phả (do chính cụ Siêu viết). Và có điều kiện để hiểu thêm: Cụ không chỉ là một tài năng văn chương mà vua Tự Đức phải so sánh “Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán”, không chỉ là một khí phách nhà nho cao khiết vốn là đặc thù của phần đông chí sĩ Bắc Hà... Thất vọng với chính sự, buồn phiền bởi nhân tình thế thái và sự suy đồi của đạo lý, sau khi việc dâng biểu xin triều đình hỗ trợ cho dân ven sông Hồng bảo vệ đê lại thành chuyện “phạm thượng”, cụ Siêu đã từ quan về quê dựng trường dạy học (ở phố Nguyễn Siêu bây giờ). Cụ ấp ủ khát vọng đào tạo nên một thế hệ mới, truyền cho họ mơ ước, cái chí hướng mà cụ chưa thực hiện được trong đời. Việc xây tháp Bút, đài nghiên, đình Trấn Ba cũng là để bộc lộ cái chí hướng này…

Ông Tự Huy đọc cho chúng tôi nghe một bài thơ chữ Hán của cụ Siêu do ông “đặt” lại từ bản dịch nghĩa. Bài thơ cho thấy cả chiều sâu tâm hồn thăm thẳm của một nhà văn hóa lớn và thêm thấm thía những tâm sự của cụ gửi gắm ở Tháp Bút, đình Trấn Ba, cầu Thê Húc, lầu Được Trăng, Đình Kính Chữ… và đặc biệt là ở Đài Nghiên:

Việc đời nát ruột bầm gan/Chí chưa nỡ bỏ mấy trang sách nhàu/Trời xanh đội đến bạc đầu/Chân lùa cát bụi chẳng màu bùn nhơ/Gọi quan, gọi lão cũng ờ/Đường dài còn tấm thân giờ ta đi…    
        
Tại khu lăng mộ cụ, chúng tôi được đọc “Bia thần đạo ở lăng tiên sinh Phương Đình thụy chí đạo” do Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp - học trò và cháu của cụ soạn, có đoạn :”Đến khi tuổi cao, danh vọng càng dày; tiên sinh dạy lớp hậu học, tuy sắc mặt hiền hậu, lời nói dịu dàng, nhưng người được tiếp vẫn thấy mình như được lên cửa rồng... Học trò của tiên sinh nhiều người có thành tựu…”. Mặc dù sống trong thời buổi cam go ngặt nghèo, gặp oan trái, cụ vẫn giữ trọn niềm tin yêu và sự ân cần. “Cuốn sách mở giữa trời” của cụ mãi mãi ẩn hiện một nỗi đau, hơn thế -một lòng tin…

Theo Người Hà Nội
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 598 đã được: 4.7/10 (21 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share