Qua câu chuyện kể của  tác giả  Lê Văn Lân (http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=74&ia=1544 ) chúng ta biết được tương đối rõ ràng về tượng bà “ đầm xòe “ được đưa vào Việt Nam và đã có thời gian đặt trên nóc Tháp Rùa.

Highslide JS
Ảnh tượng năm 1884


...Vậy cơ duyên nào đã khiến một phiên bản của tượng Tự Do này được chở qua  Hà nội rất sớm? Nói thật chính xác, nó đã đến Hà Nội vào ngày 15 tháng Ba năm 1887, nghĩa là chỉ 5 tháng sau khi pho tượng khổng lồ chính thức được khánh thành tại New York ... Người Pháp thực dân mới đặt ách thống trị trên nước Việt Nam theo Hòa Ước Bảo hộ Patenôtre năm Giáp Thân (1884) đã mở ra một Hội chợ triễn lãm nhiều sản phẩm đặc biệt của Pháp như xe đạp, tầu hỏa v.v... Người Pháp đã nhắm nhiều ý đồ: trước hết là muốn phô trương thanh thế của người thắng trận và sự ưu tú kỹ thuật của mình trong mắt người dân bị trị, sau là muốn tự gán cho mình vai trò “khai hóa” có nhiệm vụ  đem ánh sáng văn minh và tự do lại cho người dân thuộc địa. Bởi thế, chính quyền  Bảo Hộ Pháp không thấy gì mâu thuẫn khi đem trưng bày pho tượng Tự Do ở Hà Nội cả.

Highslide JS
Ảnh tượng 07/02/1903


Đương nhiên nhân dân Việt Nam thời đó khó mà chấp nhận điều này và còn coi là ô nhục vì cả nước Việt Nam vẫn còn sôi sục phong trào Cần vương, Văn thân chống đối với người Pháp và nói rõ thêm là  ảnh hưởng ngàn năm của văn hóa văn minh Trung Hoa còn sâu đậm trong tâm trí Việt Nam nên vẫn hững hờ và có vẻ không ưa chuộng những sản phẩm từ Âu Mỹ mang  lại.

Theo Nguyễn Phúc Bừu Diên và  Phạm thị Hoàng Oanh – Quê Hương Hoài Niệm, chính hội” Huynh Đệ Bắc Kỳ “đã đặt mua tượng Thần Tự Do cho cuộc Hội Chợ rồi sau đó hiến tặng cho thành phố Hà Nội. Tượng cao 3 thước, bằng 1/16 pho tượng khổng lồ ở New York được khánh thành trọng thể tại một công viên sau này là Vườn hoa Chí Linh ở trung tâm thành phố Hà Nội.

Highslide JS
Ảnh tượng năm 1903


Nhưng người dân Hà Nội đã hoàn toàn mù tịt về ý nghĩa “Tự Do soi sáng Thế giới” nguyên thủy của pho tượng.  Mà  ví dụ có ai hiểu chăng thì lại càng thấy đây là một sự khôi hài chua chát vì rõ ràng người Pháp thực dân là những kẻ cướp Tự Do đã hoàn toàn đi ngược lại với lý tưởng của Cách Mạng Pháp là “ Tự do, Bình đẳng, Bác ái ( Liberté, Égalité, Fraternité).

Dân Hà Nội bèn gọi tượng Tự Do là tượng bà  “ Đầm Xòe”, vì trong mắt họ, đây là một mụ đàn bà Pháp ăn mặc lạ mắt lòe xòe. Chữ “xòe” cũng có thể do nhìn cái mũ đội đầu của bức tượng với bẩy tua xòe ra.

Highslide JS
Ảnh tượng tại hồ Hoàn Kiếm xưa


Trong con mắt của người dân, họ đã lẫn lộn tượng Nữ Thần Tự do Hoa kỳ với “Đầm xòe” Pháp tức là hình ảnh bà Marianne, biểu tượng của Pháp quốc thường in trên những tờ giấy bạc Đông Dương.  Bà Marianne này khi thì đội nón da La Mã, khi thì đội vòng nguyệt quế, khi thì đội mũ có tua xòe. Nói chung thì  mọi phụ nữ Tây phương mặc áo quần lòe xòe đều được dân ta gọi là bà “ đầm xòe” tuốt. Dân ta thời Pháp thuộc càng cảm thấy nhục nhã bực bội khi thấy trên những tờ bạc có bà đầm vịn vai một ông quan  Nam triều mặc áo gấm mang thẻ bài hay ngồi trên bục cao xoa đầu một phụ nữ Việt Nam.  Do đó, dân Hà Nội cũng xếp Nữ Thần Tự do Hoa kỳ là cá mè một lứa.

Bà “đầm xòe” đứng ở vị trí đắc địa là vườn hoa Chí Linh nhìn ra hồ Hoàn kiếm chưa nóng chỗ, thì vào bốn  năm sau, vào ngày Quốc khánh Pháp Cát-to duy-ét (14, Juillet) năm 1890, nó bị người Pháp thay thế bằng tượng của ông Paul Bert, nguyên là tổng trú sứ Pháp đầu tiên ở Bắc kỳ.  Ông này vừa là khoa học gia vừa là chính trị gia có đường lối cai trị mềm mỏng khôn khéo, bị bệnh chết năm 1886 ở Hà Nội sau bẩy tháng nhậm chức. Chính quyền muốn dựng tượng Paul Bert vì muốn dân Việt Nam vinh danh ông là “ đại ân nhân “ của mình cũng như đã nhồi sọ trẻ con Việt Nam với một bài tập đọc đề cao công ơn ông trong cuốn Quốc văn Giáo khoa thư lớp dự bị.

Một chuyện khôi hài là người Pháp vội vã kéo “Bà đầm xòe Mỹ” xuống đồng thời chở tượng Paul Bert Pháp tới, nên hai tượng nằm lăn lóc cạnh nhau  trên cỏ trong lúc chờ đợi lấy đá từ núi Vosges bên Pháp là quê hương của Paul Bert chở sang Việt Nam để làm bệ tượng cho ông. Do đó tạo ra dịp để trẻ con Hà Nội bày ra câu hát sau:
Ông Bôn-be lấy Bà Đầm
Trước nhà kèn ò e ý e


Vườn hoa Chí Linh sau đó được gọi tên mới là Công trường Paul Bert, còn bà “đầm xòe“ được dời lên đỉnh Tháp Bá Kim (quen gọi là Tháp Rùa) xoay mặt về Ngân Hàng Đông Dương, nhưng bị dư luận phản đối dữ dội: đứng ở vườn hoa chưa đủ cao sao mà còn đòi lên đỉnh tháp Rùa !  
Cuối cùng Bà Đầm xòe được chuyển đến vườn hoa Neyret phía đông hồ Hoàn Kiếm -  tức là Vườn hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia để đứng đó trong nhiều năm trong sự thờ ơ của dân chúng, để đêm đêm chứng kiến những cặp tình nhân tình tự bên dưới .
Rồi đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, thị trưởng Thành Phố Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai muốn xóa bỏ tàn tích xâm lược nên ông quyết định sửa đổi tên đường và giật đổ tất cả những tượng mà Pháp dựng lên ở Hà Nội như Thống chế Foch, tên buôn súng Jean Dupuis và đương nhiên  bà “đầm xòe“ không thoát khỏi số phận hẩm hiu. Trong cao trào yêu nước này, dân Hà Nội lại có dịp hát châm biếm rằng:
Bôn-be với mụ Đầm Xòe
Ta kéo chúng xuống, ta đè chúng lên!

Tất cả tượng đồng trên của Pháp ở Hà Nội được chứa trong kho phế vật của sở Lục Lộ Thành Phố. Những tưởng chúng nằm đó yên thân vĩnh viễn. Ai ngờ đến năm 1949, chùa Thần Quang thuộc làng Ngũ Xã khởi công đúc pho tượng Phật A di đà.  Pho tượng này dự tính là pho tượng Phật lớn nhất ở  Việt Nam: thân tượng cao 3.95 thước, tai Phật dài 70 cm, chu vi tượng 11.6 thước, nặng 11 tấn, tòa sen gồm 96 cánh nặng 1.6 tấn.  Trong 3 năm chuẩn bị, mặc dù nhà chùa kêu gọi khách thập phương quyên góp rất nhiều đồ dùng bằng đồng, nhưng vẫn không đủ đồng để đúc Phật, nên vào năm 1952, thị trưởng Hà Nội đã tặng nhà chùa tất cả các pho tượng chứa trong kho Lục Lộ, trong đó có tượng bà “đầm xòe...”

Highslide JS
Ảnh bà đầm xòe vịn ông quan


Nói về thời điểm chính quyền thành phố cho đặt bà “ Đầm xòe” trên nóc Tháp Rùa, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đã dẫn chứng các thông tin các báo thời đó  (http://vietbao.vn/Xa-hoi/Ha-Noi-tung-co-tuong-Than-Tu-Do-tren-noc-Thap-Rua/20474419/122/) : “ ....Lúc ấy báo chí Pháp thảo luận rất nhiều về vị trí đặt pho tượng này. Có nên đặt nó trên nóc Tháp Rùa không? Và nếu đặt thì tượng Thần Tự Do sẽ quay mặt về hướng nào? Cuối cùng thì tượng Thần Tự Do vẫn được đặt trên nóc Tháp Rùa, mặt quay về vườn hoa Paul Bert, tức quay về tượng Lý Thái Tổ bây giờ, lưng quay về phía Nhà Thờ Lớn.

Có hai  tấm hình trong cuốn sách "Bắc kỳ xưa" minh họa cho điều đó. Hình thứ nhất là toàn cảnh Hồ Gươm, nhìn từ phía tượng Pôn Be, cho thấy Tháp Rùa, trên có tượng Thần Tự Do (hình này lấy từ báo L" Indépendance tonkinoise, số đặc biệt, ra tháng 7-1891. Hình thứ hai là hình Thần Tự Do, do Césard vẽ, phía sau có Nhà Thờ Lớn, với ghi chú "Liberté sur le Pagodon du Petit - Lac à Hanoi" (Tượng Tự Do trên nóc Tháp Rùa ở Hà Nội). Hình này được đăng trong báo La Vie Indochinoise, tháng 12 -1896. Điều này cho thấy ít nhất Tượng Tự Do cũng đã nằm trên nóc Tháp Rùa trong sáu năm, từ 1891 đến 1896, trước khi được chuyển về vườn hoa Cửa Nam và mang tên "Bà Đầm xòe".

Highslide JS
Ảnh bà đầm xòe xoa đầu phụ nữ


Tuy vậy khi vào địa chỉ http://thichduthu.viet-numis.com/viewtopic.php?t=1633&sid=35dce37c8fcf74e98b2fd8fe7197a9f4, chúng ta thấy một tấm bưu thiếp chụp ảnh tượng bà “ đầm xòe “ đóng dấu ngày 7-2-1903. Như vậy có thể nói tượng bà “ đầm xòe” đặt trên nóc tháp rùa ít nhất vào năm 1903 chứ không phải chỉ đến năm 1896 như giả thiết của nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải đưa ra.

Đọc Tạp chí Hồ Gươm năm 1949, số 21, trang sau, chúng tôi thấy có bài thơ “ Vịnh tượng đồng hồ Hoàn Kiếm “ của tác giả cử nhân Bùi - Hoan. Bài thơ viết năm 1900. Qua bài thơ này chúng ta thấy được thái độ không đồng tình của người Hà Nội khi chính quyền thực dân Pháp cho đặt tượng bà “ đầm xòe”  trên nóc Tháp Rùa. Dưới đây là toàn văn bài vịnh.
Cô kia mặt nước mênh mông
Cô bao nhiêu tuổi nào chồng cô đâu ?
Đứng đây chừng đã bao lâu
Liều thân nắng giãi mưa giầu vì ai
Bà con quen thuộc mấy người
Gần đây một chú giữa giời  trơ trơ
Nghe ra chú cũng thờ ơ
Dù ai cởi sống phất cờ giới thây
Bấy lâu mặt dạn mày dày
Sao còn lẩn quất nơi này làm chi
Nào ai có chuốc vẻ gì
Nào ai gian díu mà đi không đành
Sấm giời sắp dậy chung quanh
Chồn chân ắt chẳng chạy nhanh được nào
Âu là trở gót buồng đào
Trâu nào ăn cỏ đồng nào ai nghe

Hà Hồng
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 552 đã được: 6.0/10 (23 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share