Hôm đó là vào một ngày chủ nhật, tháng 11 -1956, tức là 56 năm về trước, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ( với tác phẩm nổi tiếng Lũy Hoa )  đi dạo ở hồ Hoàn Kiếm. Ông đã viết về những con người và cảnh vật ở hồ Hoàn Kiếm mà ông đã gặp, đã nhìn thấy, trong bài viết: Một ngày chủ nhật. Và 56 năm sau cũng vào một ngày chủ nhật  ( ngày 11-3-2012) cảnh vật và con người ở hồ Hoàn Kiếm có gì thay đổi ?

Highslide JS


Ngày chủ nhật mà Nguyễn Huy Tưởng đi dạo đó là ngày “...mưa lâm râm. Khí lạnh. Cảnh chuyển sang đông. Bầu trời Hà Nội xám ngắt. Người đi ra phía hồ Gươm đã bắt đầu tấp nập. Một buổi sáng chủ nhật bình thường “.

Năm 56 năm sau, vào ngày chủ nhật 11 - 3  - 2012, cũng là một ngày chủ nhật bình thường, không có gì đặc biệt hơn so với các chủ nhật khác. Chúng tôi cũng đi dạo quanh hồ. Hôm đó, mặc dù đang là mùa xuân, nhưng  tiết trời cũng lạnh, bầu trời nhiều mây, như ngày chủ nhật mà Nguyễn Huy Tưởng đi dạo. Do trời lạnh cho nên  ít người đi dạo quanh hồ nhất là trẻ em. Bình thường vào ngày chủ nhật có nắng đẹp, ấm áp, bố mẹ thường đưa con đi chơi ở hồ Hoàn Kiếm, sau khi đã cho con chơi các trò chơi ở Cung Văn hóa Thiếu niên trên phố Trần Nguyễn Hãn và Lý Thái Tổ.

Qua Nguyễn Huy Tưởng chúng ta biết được người Hà Nội vào ngày chủ nhật  đó  ăn mặc như thế nào khi đi dạo phố: “ Quần áo phần lớn mầu tối, lạnh và khắc khổ, đồng loạt kiểu cán bộ. Hà Nội đã mất nhiều mầu sắc. Gần mép hè, một cặp vợ chồng trẻ sánh vai nhau đi. Người phụ nữ có bộ mặt xinh tươi, bộ tóc uốn mềm mại, bộ áo dài cắt khéo. Sau một thời gian dè dặt , phụ nữ Hà Nội lại bắt đầu trang điểm. Nhưng họ vẫn chưa được tự nhiên lắm. Dù sao bộ áo của người phụ nữ trẻ kia cũng là mầu tươi duy nhất trong đám người đồng phục trên quãng đường này. Con mắt vui vui”.

Bây giờ mọi người ăn mặc khác rất nhiều so với thời của nguyễn Huy Tưởng. Thời bao cấp đã qua, và sau hơn 25 năm đổi mới đất nước ta đã thoát khỏi các nước nghèo, trở thành các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Mọi người không phải lo ăn, lo mặc như trước mà đang lo ăn gì cho ngon, ít chất béo, mặc gì cho đẹp, trang nhã. Nếu như 56 năm về trước con gái Hà Nội bắt đầu trang điểm trở lại thì bây giờ họ quan tâm mỹ phẩm của những hãng nổi tiếng. Người có thu nhập trung bình thì thích dùng kem dưỡng da, mặt nạ của Hàn Quốc. Người có thu nhập cao thì thưởng hỏi nhau đến chỗ nào để mát-xa mặt, cơ thể, xóa tàn nhang... Nhìn chung ai đến hồ Hoàn Kiếm đi dạo cũng đều mặc những bộ quần áo thời trang, nhã nhặn, nhất là những dịp chung quanh hồ tổ chức hội hoa xuân, hội thi cắm hoa... Gần như không có ai mặc bộ đồ ngủ đi quanh hồ. Ngày 11-3-2012 là một ngày tiết trời se lạnh cho nên mọi người mặc áo ấm, mà áo ấm thường không nhiều mầu sắc và thời trang như quần áo mặc vào những ngày ấm, nóng.

Đi gần mép nước hồ, Nguyễn Huy Tưởng nhận xét: “ ... Hồ Gươm đã mất nhiều vẻ đẹp lắm rồi, nước hồ gợn váng, ven đầy rác rưởi. Bờ không được sạch, lủng củng những quảng cáo vụng về, bày vô tổ chức... Có cảm tưởng hồ bị bưng kín và bé lại. Đường đi có nhiều chỗ lầy lội. Thùng rác như chiếc quan tài lù lù bên lối đi...”

So với thời Nguyễn Huy Tưởng, bờ hồ ngày nay đẹp hơn nhiều. Chung quanh hồ không còn chỗ nào có cảnh “ ven hồ đầy rác rưởi... nhiều chỗ lầy lội”. Năm 1999, chung quanh hồ đã được lát gạch sạch sẽ. Bờ hồ được kè bê-tông. Năm 2010, nhân đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, thành phố Hà Nội có dự án bóc toàn bộ số gạch lát hè để thay bằng đá lát. Trước ý kiến của nhiều người dân làm như vậy không tiết kiệm khi hè đường vẫn còn tốt. Thành phố đã cho lát thử một đoạn dài gần 200 mét bao gồm khu vực nhà hàng Thủy Tạ, đường đôi Đinh Tiên Hoàng. Cuối cùng thành phố đã cho dừng dự án đó trước ý kiến phản ứng mạnh mẽ của người dân. Riêng việc thay thế các trụ đèn mắt ngọc bằng hệ thống đèn Led được triển khai.

Nước hồ mặc dù đã còn ô nhiễm nhưng đã được cải thiện đáng kể so với thời của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Hiếm khi ta nhìn thấy cảnh “đầy  rác rưởi”. Hằng ngày có nhân viên Công ty Công viên cây xanh đi chung quanh hồ để vớt rác. Đầu tháng 3-2012, khi thấy Rùa nổi lên sát bờ, chung quanh đầy tảo, thành phố đã điều hằng chục người của Công ty Thoát nước đến với tảo khu vực đường đôi Đinh Tiên Hoàng.

Nếu Nguyễn Huy Tưởng còn sống, khi đi qua đoạn hồ  vào chủ nhật 11-3-2012, đối diện với báo Hà Nội Mới, ông sẽ thấy một điều lạ: có một dàn nước trong vắt đang chảy xuống hồ. Một cảnh tượng không một hồ trên thế giới nào có như vậy. Đó là dàn nước bổ cập nước sạch cho hồ, nhằm mục đích pha loãng ô nhiễm trong nước hồ. Dàn nước này chỉ hoạt động khi nước hồ cạn. Hằng tối đơn vị cấp nước sạch đều xe téc chở nước đến đổ vào bể ngầm xây sát vỉa hè phố Lê Thái Tổ. Từ đó có đường ống nối với dàn nước. Dàn nước này được lắp đặt đầu năm 2011, khi Rùa hồ Hoàn Kiếm bị lở loét nghiêm trọng phần mai, và hai chi trên. Khi đó các nhà khoa học cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến Rùa bị “ lở loét”  như vậy là do nước hồ ô nhiễm.  

Đi đến khu vực UBND thành phố Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng thấy cảnh : “ Đồng bào, bộ đội, cán bộ miền nam, người đi người ngồi, người đứng, chật ních cả bên bờ phía Thị Chính. Đây là miền nam thân yêu thu gọn lại. Nghe líu ríu tiếng của Sài Gòn, của Thừa Thiên của Quảng Ngãi...Một bà già tóc bạc ngồi trên ghế dáng đợi chờ... Một người chồng bộ đội đón đứa con trong tay người vợ nhỏ bé, dịu dàng. Một lũ thanh niên nhảy xổ lại ôm lấy nhau, với cái cười nói hồn nhiên của người nam bộ. Họ nhắc đến tên vài trận đánh mà họ thích... Sau dãy hàng hoa, tựa lưng vào một cây cổ thụ bên bờ, một người đàn bà quần đen áo đen, đứng một mình mặt hướng ra hồ, mắt đăm đăm nhìn đi đâu xa lắm. Chị đang nghĩ đến chồng, đến con hay đến cha mẹ, anh em? Họ còn sống hay đang mất rồi? Họ đang làm gì hay cũng nghĩ đến chị? Hay trong ngày trở lạnh của miền Bắc, trong lúc lăn xăn làn da không quen chịu rét, chị xao xuyến nhớ đến xóm làng nóng bức ở xa tít miền Nam ? Trán nhăn lại làm ngậm ngùi  nét mặt còn trẻ. Chị bạn ơi chúng ta hãy nói với nhau những lời tin tưởng. Tổ quốc Việt Nam chúng ta thế nào cũng thống nhất.”

Nhiều bạn trẻ bây giờ không biết rằng thời chiến tranh vào ngày chủ nhật, ngày lễ, hồ Hoàn Kiếm là điểm hẹn của những cán bộ, chiến sỹ miền nam tập kết ra bắc. Sau này có Câu lạc bộ Thống Nhất (  nhà Khai Trí Tiến Đức cũ ), mọi người lại tập trung ở đây.

Highslide JS


Thời của Nguyễn Huy Tưởng không biết ở  Vườn hoa Chí Linh ( nay là Vườn hoa Lý Thái Tổ ( sát với nhà “Thị Chính” ) chắc chưa có chiếc hầm công cộng rất to ở đây. Nay trên nền chiếc hầm đó là tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Tượng đài được xây dựng năm 2004. Sau tượng đài vẫn còn nguyên Nhà Kèn. Ngày 11-3-2012, Nhà Kèn lại vang tiếng kèn của sinh viện Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Chương trình được thực hiện vào sáng chủ nhật Hằng tuần do Ngân hàng Đông Á tài trợ. Nhà Kèn được Thực dân pháp xây dựng nhằm mục đích để lính quân nhạc Pháp thổi kèn cho gia đình chúng nghe vào các ngày lễ, chủ nhật. Giờ đây tiếng kèn do các học viên thổi để phục vụ cho người dân thủ đô. Nhìn người Hà Nội lặng lẽ nghe dàn nhạc bộ hơi trình diễn hòa tấu các bản nhạc nổi tiếng trong và ngoài nước trong khung cảnh kiến trúc Pháp, chúng tôi cảm nhận được sự thanh lịch, lãng mạn của người Hà Nội.

Đầu ngã ba phố Đinh Tiên Hoàng- Lê Lai xuất hiện một tấm biển mới đặt từ đầu năm 2012 nói về tiểu sử của Lê Lai. Đây là một trong những việc làm thử nghiệm của thành phố về việc giáo dục kiến thức lịch sử cho người dân Thủ đô và khách du lịch.

Highslide JS


Đã thành thường lệ, cứ vào ngày chủ nhật, các thành viên trong CLB du ca đường phố, gồm hằng chục bạn trẻ từ các trường đại học, cao đẳng tụ về đây. Họ vừa đánh ghi ta vừa hát những bài hát của tuổi trẻ. Điểm tụ tập đầu tiên là ở sân tượng đài, sau đó đi lang thang chung quanh hồ. Chủ nhật ngày 11-3-2012, sau khi ca hát ở sân tượng đài họ lại tụ lại chỗ gần Tháp Bút. Người nghệ sỹ lang thang râu tóc bạc phơ thường ngồi dưới cây lộc vừng chính gốc cũng ra góp vui với chiếc đàn vi-ô-lông.

Highslide JS


Phía trước vườn hoa Lê Thái tổ, vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 11-3-2012 chúng tôi gặp một đoàn xe đạp của sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Họ đạp xe để cổ động cho Giờ trái đất sẽ được tổ chức vào ngày 31-3-2012 tại Quảng trường Nhà Hát lớn. Đi đầu đoàn xe đạp là Hoa hậu thân thiện Dương Thùy Linh. Tại sân tượng đài họ ôm nhau chụp ảnh.

Các bạn trẻ ơi, các bạn hồn nhiên và vui tươi quá. Việc  làm của các bạn là cổ động mọi người hãy tắt điện một ngọn đèn không cần dùng trong một giờ  và hơn thế nữa để dành điện cho người khác, cho sản xuất. Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới  đang cần rất nhiều điện để phát triển. Thời của Nguyễn Huy Tưởng cũng tại vị trí này những người thanh niêm miền nam gặp nhau, ôm nhau cười nói, kể chuyện cho nhau nghe về chiến công của họ ở miền nam trước ngày tập kết. Hai thế hệ, hai niềm vui khác nhau nhưng cùng chung một mục đích là làm  cho đất nước Việt Nam  phát triển và trường tồn.

“ ...Mưa đã tạnh. Nước hồ phẳng lặng. Tháp Rùa trắng mốc, sừng sững trên đám cỏ xanh như vừa nhô lên khỏi mặt nước. Cây xanh sẫm um tùm rủ bóng, bao bọc lấy hồ và mở quang ra phía Cầu Gỗ như đón lấy phố xá trắng, đỏ, vàng... “ . Cảnh tượng ấy thời Nguyễn Huy Tưởng đến bây giờ vẫn còn nguyên. Có điều Tháp Rùa có diện mạo hoàn toàn khác cách đây tròn một năm. Đó là thời điểm xảy ra sự kiện lần đầu có ở hồ Hoàn Kiếm đó là lập “ bệnh viện dã chiến “ để chữa vết thương cho Rùa tại Tháp Rùa. Rùa hồ Hoàn Kiếm được chữa bệnh tại đây khoảng 100 ngày. Đến nay tại Đền Ngọc Sơn ( vị trí đối diện Thủy Tạ ) còn để chiếc bể sắt đường kính 15 m từng được dùng để làm “ bệnh viện dã chiến”. Có nguồn tin cho rằng, chiếc bể đó sẽ được dùng để làm một đài phun nước ở giữa hồ. Nếu ý định này triển khai chắc chắn sẽ có nhiều người phản đối, bởi sự tồn tại của nó sẽ phá đi cảnh quan thơ mộng sâu lắng hằng trăm năm của hồ. Hãy cứ để hồ như vậy, bởi nó đã đẹp từ thời xưa, đã đi vào thơ, ca của biết bao thi sĩ. Đừng thêm bất cứ vật gì vào trông nó “ cải lương” lắm.  

Sau khi đi quanh vòng hồ, Nguyễn Huy Tưởng đi vào phố Tràng tiền. Trước mắt ông: “ ... Người chen chúc nhau đi lại. Nhiều cán bộ, công nhân hơn là người dân bình thường tràn ngập các phố xá trong những ngày chủ nhật. Phản ánh cái tình trạng của một bộ máy quan liêu cồng kềnh chưa khắc phục được... Đây là một cơ quan ở giữa phố. Dễ nhận ra lắm với giường một kiểu, với những lao màn lủng củng, với những quần, những áo, những tã, những lót phơi  một cách sống sượng trước mắt người qua đường... Tôi bước vào một hiệu sách. Lần giở quyển sổ tay đóng sẵn. Đang mùa cưới, mùa của yêu đương, mùa của những lúa đôi đang trào lên nhựa sống ấp ủ những ước mơ , khao khát những đêm dài ân ái. Tất cả những cuốn sổ đều ghi mấy hàng chữ công thức: “ Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.

Phố Tràng Tiền bây giờ đã đổi khác nhiều. Ý thức người dân được nâng lên, không còn cảnh phơi quần, áo, tã lót như trước. Hiệu sách mà Nguyễn Huy Tưởng vào có thể là Hiệu sách Hà Nội - Huế - Sài Gòn trước đây. Nay hiệu sách không còn tên đó nữa, và ở dưới tầng hầm của một tòa nhà lớn.  Ngày chủ nhật 11 -3-2012, chúng tôi đến hiệu sách trên phố Nguyễn Xí và Tràng Tiền . Thời Nguyễn Huy Tưởng chưa có hiệu sách này. Chúng tôi thường đến hiệu sách này để tìm mua những cuốn sách trong “ Tủ sách nghìn năm Thăng Long” , nhất là cuốn sách liên quan hồ Hoàn Kiếm. Ngày hôm đó tôi đã mua được cuốn sách “ Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”, trong đó có bài viết nói trên của Nguyễn Huy Tưởng. Cạnh hiệu sách là Rạp Công nhân đã được xây  mới lại, khánh thành  vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Rạp có hình dáng kiến trúc bên ngoài giống với rạp chiếu phim tại vị trí này trước năm 1954.  

“ Phố Bà Triệu, buổi trưa đã vắng. Một trận gió thổi. Lá cây của hàng cây bên đường rơi vài chiếc. Giữa hai hàng cây cao, những cây nhỏ trồng sau trận bão kinh khủng năm ngoái đã bắt đầu lớn, tán lá đã xanh um,  quãng đường đã đỡ trống... Trời lạnh buốt. Sương muối mờ mờ hồng. Ánh điện mung lung, bóng cây rủ xuống con đường vắng tanh. Tôi dừng trước của nhà tôi...”

Hàng cây trồng hai bên vỉa hè đầu phố Bà Triệu thời Nguyễn Huy Tưởng, sau trận bão năm 1955,  nay đã lớn. Giữa lòng đường mọc lên một chiếc cột phân luồng giao thông . Một nửa đường dành cho ô-tô, nửa còn lại dành cho xe máy và xe đạp. Chiếc cột này có từ đầu năm. Mở đầu cho năm an toàn giao thông. Ngày đầu mới có cột giữa đường, nhiều người đi xe máy đã sứt đầu mẻ trát do đâm vào đó. Nay giảm dần.

Cứ vào chiều tối, các bác lớn tuổi lại ra ngồi trên ghế đá, đối diện với nhà hàng bốn mùa để hóng mát, bàn chuyện thời sự . Chủ nhật 11-3-2012, mọi người đến đây lại tiếp tục bàn tán về một chủ đề thời sự chung quanh việc Bộ Giao thông vận tải kiến nghị mức thu lệ phí xe chống ùn tắc giao thông hàng chục triệu đồng/ xe  tùy vào từng loại xe. Đa số mọi người không đồng tình với mức thu cao và không khoa học. Một bác nhà ở phố Bà Triệu, cán bộ công an nghỉ hưu phân tích: Bộ Giao thông vận tải ban hành một chủ trương lớn như vậy, tác động tới hàng triệu người đã vi phạm những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Thứ nhất, Đảng ta cho rằng những việc làm lớn phải để  “ dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra “. Chủ trương nói trên của Bộ người dân mới biết thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng, nhưng không được bàn vì sao thu phí theo mức đó, cách đó. Không được làm, không được kiểm tra đồng tiền mình đóng góp được sử dụng có đúng mục đích không? Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đưa ra khẩu hiệu : Xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng văn minh. Chủ trương trên của Bộ Giao thông vận tải có công bằng không khi đồng loạt thu phí chống ùn tắc giao thông đối với cả xe đi nhiều lẫn cả xe không đi ?  Khi tất cả các loại xe đã đóng phí thì hà cớ gì không sử dụng, liệu mục đích thu phí tất cả các đầu xe với giá hàng chục triệu đồng trong bối cảnh kinh tế của người dân đang gặp khó khăn có bắt đúng bệnh ùn tắc? Chủ trương thu phí giao thông là đúng, nhưng phương án mà Bộ Giao thông vận tải đưa ra thiếu khoa học và không được lòng dân.

Khoảng 11 giờ 45 phút, Rùa hồ Hoàn Kiếm nổi ở khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hằng trăm người chứng kiến sự kiện này. So với thời gian cùng kỳ năm 2011 ( lúc Rùa bị bệnh ), Rùa hồ Hoàn Kiếm trông khỏe mạnh hơn nhiều. Mai có mầu xanh xám, không bị trầy sướt, nấm mốc như trước, ai cũng thấy phấn khởi, “ con mắt vui vui “.

Trên đây là cảnh vật và con người vào một ngày chủ nhật, tháng 11-1956 và  vào  ngày 11-3-2012.

56 năm nữa ( năm 2068 ), vào ngày chủ nhật, cảnh vật và con người ở hồ Hoàn Kiếm như thế nào nhỉ. Các bạn yêu hồ Hoàn Kiếm thời đó viết tiếp nhé !

Hà Hồng
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 509 đã được: 4.8/10 (17 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share