Phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm


9 giờ, ngày 30-8, anh Hùng, Đội trưởng Đội an ninh trật tự khu vực hồ Hoàn Kiếm, gọi điện báo cho tôi biết sẽ chuyển một số tài liệu ghi chép về hồ các năm trước để tôi lưu giữ (phục vụ cho công việc sưu tầm hiện vật làm bảo tàng về hồ Hoàn Kiếm của tôi).

- Tôi hỏi vì sao chuyển tài liệu nhanh hơn dự kiến vậy?
 
- Trụ sở của đội phải chuyển gấp, dành vị trí cho một đơn vị bán hoa, đáp ứng chủ trương mở các tuyến phố đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm vào dịp Quốc khánh 1-9 - anh Hùng trả lời.
 
Thế là Hà Nội bắt đầu triển khai chủ trương nói trên. Một chủ trương thể hiện sự quyết tâm của các cấp chính quyền Hà Nội, đáp ứng sự mong mỏi chờ đợi của người dân Thủ đô nói riêng và người dân cả nước nói chung.
 
Hồ Hoàn Kiếm - di tích quốc gia đặc biệt, không chỉ là trái tim của Thủ đô mà còn là trái tim của cả nước. Nơi đây chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử từ nghìn đời nay và cả một không gian cảnh quan đặc sắc. Vì vậy, việc xây dựng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận vừa có ý nghĩa khơi dậy, phát huy giá trị di sản văn hóa, vừa hình thành một không gian mang tính cộng đồng phục vụ người dân Thủ đô và du khách.
 
Sau nhiều năm hình thành ý tưởng, thành phố Hà Nội đã chính thức triển khai không gian đi bộ đầy tính văn hóa này.  Xây dựng không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận là điểm nhấn quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội.
 
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận bao gồm các tuyến phố chung quanh hồ: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thái Tổ (từ Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến phố Hàng Trống và một nửa đường tiếp giáp hồ Hoàn Kiếm từ Hàng Trống đến phố Hàng Khay), Hàng Khay và các tuyến phố lân cận như Hàng Bài (đoạn từ phố Hai Bà Trưng đến Tràng Tiền), Tràng Tiền (đoạn từ phố Đinh Tiên Hoàng đến Ngô Quyền), Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Lai (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn (từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ), Hàng Dầu (từ Đinh Tiên Hoàng đến Cầu Gỗ), Lò Sũ (đoạn từ Đinh Tiên Hoàng đến Nguyễn Hữu Huân), Lương Văn Can (đoạn từ Hàng Hành đến Lê Thái Tổ), Bảo Khánh (đoạn từ ngõ Báo Khánh đến Lê Thái Tổ).
 
Tại không gian đi bộ, quận Hoàn Kiếm tổ chức các hoạt động văn hóa, dịch vụ, du lịch đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí của người dân Thủ đô cũng như du khách. Đó là, triển lãm ảnh ven hồ, múa rồng quanh hồ, biểu diễn tam tấu đàn dây, nhạc cụ dân tộc, ghi ta, hát xẩm, hát văn… Đồng thời, sẽ có sự tham gia của các họa sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân khắc bút, ký họa tại khu vực cây lộc vừng 9 gốc, đền Bà Kiệu; bán mặt nạ, nặn tò he, thư pháp, bán hoa tươi. Sẽ có không gian thưởng thức các hoạt động văn hóa phù hợp với các lứa tuổi khác nhau. Người trung niên thích khu đọc sách và không gian yên tĩnh sẽ có phố sách ở Nguyễn Xí. Phố Lê Thái Tổ là chỗ nhiều nhóm nhạc trình bày các tác phẩm phù hợp lớp trẻ. Sân chơi cho trẻ em chạy từ phố Đinh Tiên Hoàng đến Hàng Dầu. Tại đây sẽ có nhiều trò chơi dân gian.
Chung quanh hồ sẽ có ba điểm hoạt động văn hóa chính. Điểm thứ nhất ở Nhà kèn (Vườn hoa Lý Thái Tổ, nơi đây sẽ thường xuyên tổ chức biểu diễn nhạc dân tộc. Thứ hai, bên cạnh đền Ngọc Sơn đối diện Đền Bà Kiệu sẽ tổ chức hát xẩm, hát xoan, hát ca trù. Thứ ba, chung quanh khu vực Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ tổ chức xiếc đường phố. Trong tương lai ở quảng trường này sẽ có biểu diễn nghệ thuật ánh sáng.
 
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận sẽ kết nối với không gian đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và sáu tuyến phố đi bộ trong khu bảo tồn cấp 1 phố cổ Hà Nội, tạo ra một không gian hoàn chỉnh. Người dân có thể dạo chơi, thưởng thức các hoạt động văn hóa tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, mua hàng lưu niệm, ăn uống ở khu phố cổ trong hành trình khám phá đêm Hà Nội của mình. Điều này không chỉ kích thích hoạt động phát triển kinh tế mà còn tăng sự hấp dẫn với khách du lịch. “ níu kéo” họ ở lại lâu hơn với Hà Nội.
 
Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận hoạt động từ 19 giờ ngày thứ sáu đến 24 giờ Chủ nhật hàng tuần, bắt đầu từ ngày 1-9 – 31-12. Riêng dịp lễ khai trương sẽ tổ chức từ tối thứ 5 ngày 1-9 đến 24 giờ ngày Chủ nhật 4-9, kéo dài bốn đêm ba ngày để đáp ứng nhu cầu vui chơi của người dân dịp lễ Quốc khánh.
 
Quận Hoàn Kiếm phối hợp Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và các cơ quan chức năng tổ chức giao thông và giao thông tĩnh. Hiện khu vực này tổ chức khoảng 80 điểm giao thông tĩnh với quy mô hơn 1,7 ha (51 điểm cũ và 29 điểm mới) bố trí các điểm trông giữ xe cho nhân dân và du khách, điểm đỗ dừng xe vận chuyển khách du lịch. Theo đó, Sở GTVT sẽ bố trí tổng số 78 điểm đỗ để trông giữ ô-tô, xe đạp, xe máy với diện tích 17.380m2 sức chứa 87 xe du lịch, xe chở khách; 607 xe ô-tô con; 2.751 xe đạp, xe máy để phục vụ du khách và nhân dân đến đi bộ và thăm quan du lịch khu vực Hồ Hoàn Kiềm và vùng phụ cận. Để phục vụ tổ chức thí điểm không gian đi bộ, Sở GTVT Hà Nội cũng điều chỉnh lộ trình bẩy tuyến xe buýt có điểm đầu - cuối và lộ trình đi qua khu vực tổ chức đi bộ chung quanh hồ Hoàn Kiếm vào tất cả các ngày trong tuần để ổn định dịch vụ xe buýt phục vụ nhân dân, thực hiện từ 1-9.
 

 
 
Để lưu lại thời điểm này, tôi đã chụp quang cảnh khu vực hồ tối chủ nhật 28-8-2016. Đây là tối chủ nhật cuối cùng các phương tiện giao thông được đi lại chung quanh hồ vào các dịp lễ, Tết. Hình ảnh các anh trong Đội an ninh trật tự hồ Hoàn Kiếm bê tài liệu nhờ tôi giữ  và bữa cơm trưa cuối cùng của họ tại trạm đã khép lại một thời gian trụ sở của đội đặt ngay trên vỉa hè của hồ. Thay vào đó sẽ  là một cửa hàng bán hoa. .
 







Hà Hồng
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 775 đã được: 3.5/10 (12 Đánh giá)


Bài viết liên quan Bài viết ngẫu nhiên
Người Hà Nội yêu cây, yêu Hồ Gươm là thế!
Ngụm nước mát giữa trời nóng
Mát thì có mát nhưng...
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Ước vọng về một cuộc sống hòa bình
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Tháp Bút
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Phố Hàng Trống
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Chuông Nhà thờ Lớn
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đình Trấn Ba
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Đài Nghiên
Vùng đất văn hóa Hồ Gươm: Hồ Gươm - Nơi ghi dấu bóng hình của Bác
Người "Tràng An"...
Gặp nhà báo say Hồ Gươm n...
Trăn gấm xuất hiện ở 71 p...
Ảnh: Mưa lạnh vẫn cứ rơi
Như một trận chung kết
Theo mẹ đi chợ Đồng Xuân
Nắng & mưa
Trẻ em-mối quan tâm của c...
VTV1 - 21/06/2011 - Gõ cử...
Điểm báo KH&CN trên k...
Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share