Những lời chào, những cái bắt tay, những nụ cười thân mật, những lời chúc, lời hẹn gặp lại... Họ là những người quen biết đã nhiều năm nay và cả những người chỉ biết mặt, nhưng cũng đã quen... Tôi cũng là một trong số đó.

Highslide JSTôi đến đây trong buổi sáng cuối thu, tiết trời se lạnh rất đặc trưng Hà Nội, để chứng kiến và cảm nhận giờ phút chia tay với cà phê Giảng – Hàng Gai... Trong buổi sáng cuối cùng 20.11.2007 đó, tôi đã thấy ở từng người sự bồi hồi phảng phất. Tôi đã thấy họ – cả chủ và khách – không nói... nhưng dường như họ đều muốn nói “sẽ không hề có cuộc chia ly...”

Những người khách quen ở đây, thân đã vài chục năm, sơ thì cũng đã uống cà phê ở đây được vài năm. Phần đông khách quen cà phê Giảng đến đây trước giờ làm việc buổi sáng. Đó là giờ uống cà phê thích hợp của người Hà Nội... Buổi sáng ngày nào quán cũng đông khách quen – “khách chung thân”... Còn buổi tối thì phần đông thuộc lứa tuổi trẻ và lựa chọn của họ cũng đa dạng hơn chứ không chú ý nhiều đến cà phê.

Trong số khách quen của “Giảng”, những người ở gần quanh khu phố cổ cũng nhiều và những người ở xa cũng không ít. Có người buôn bán, có người làm nhà nước đã nghỉ hưu, cũng có người còn đang là công chức. Cái chung nhất ở họ là “gu” uống cà phê mỗi sáng ở đây. Khẩu vị có khác nhau, người thì thích uống nâu, có người chỉ uống đen nóng quanh năm suốt tháng, nhưng tất cả họ đều yêu cái quán cũ bình dị lâu năm giữa khu phố sầm uất, tấp nập, sôi động vào bậc nhất “kinh kỳ” này.

Từ năm 1946, cà phê Giảng ở số nhà 90 phố Cầu Gỗ, năm 1969 mới chuyển về số 7 Hàng Gai và "định cư" trong một số trí nhớ của người Hà Nội đến bây giờ bằng địa chỉ này. Ông Giảng vào nghề cà phê từ năm 1937. Ông làm bếp cho khách sạn Metropole rồi khách sạn Con Gà (sau là cửa hàng ăn uống Tràng Tiền), chuyên làm các món uống. Sang những năm Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cả ông bà Giảng và nhiều con trai, con dâu đều phục vụ cho mậu dịch quốc doanh ngành ăn uống. Ông làm ở quán Gió công viên, bà làm ở cửa hàng Bốn Mùa. Cửa hàng ở nhà chỉ “đóng vai phụ”. Ông Giảng đã mất năm 1988. Bây giờ gia đình anh Đức, anh Hoà – những người con trai ông Giảng – vẫn nối nghề cha, và “vai phụ” đã trở thành “vai chính”. Cà phê vẫn giữ phong vị cũ... và một thái độ ân cần đúng mực dựa trên sự am hiểu khách hàng một cách lịch lãm... Một thái độ rất Hà Nội một cách kín đáo...

Cái riêng của “Giảng” là trứng: nâu trứng, bột đậu xanh trứng, ca cao trứng, bia trứng… Mọi người đã uống ở đây đều nhớ và nhắc nâu trứng ở Giảng như một món “đặc sản”. Tôi hay uống đen nóng nhưng lại thích ngắm và ngẫm nghĩ về món nâu trứng. Đã ngắm bao nhiêu lần nhưng lần nào tôi cũng có những cảm giác khó tả khi được nhìn, được hít hà, được nếm những màu, những mùi, những vị tưởng như tương phản, tưởng như khắc chế nhau được kết hợp một cách dịu dàng đến như vậy chỉ trong một chiếc tách nhỏ – khi màu đen nâu kết hợp với màu vàng non tươi, để hương thơm đặc trưng của cà phê quyện với mùi béo ngậy của kem trứng, để vị ngặm đắng tan trong vị ngọt ngào... Sự tương phản ngọt ngào đó giúp tôi cân bằng hơn khi nghĩ về cuộc sống vốn có những mâu thuẫn nhiều khi tưởng khó dung hoà...

… Rồi đến một ngày, một “đại gia” bất động sản thích mua lại cái vị trí đắc địa của “Giảng” ở Hàng Gai liền “gạ” đổi nơi đó cho gia chủ tới những địa điểm khác rộng rãi hơn “để bác tiện bán hàng hơn…”. Nếu so sánh doanh thu thì kinh doanh cà phê bình dân trên một địa điểm “không bình dân” như phố Hàng Gai là một “sự phí phạm lớn”. Nhà số 7 Hàng Gai được cải tạo, nâng cấp, trang hoàng lại nội thất và bây giờ cũng là một quán cà phê. Nhưng là cà phê Ý và fastfood…

Cuộc sống vận động và phát triển, âu cũng là quy luật, không ai có thể duy chủ quan mà níu kéo. Phố cổ Hà Nội đang chỉ còn là những mảnh vỡ dù những người hoài cổ xót xa tiếc nuối. Nhưng tôi vẫn tin một mạch ngầm còn chảy... Cái mạch ngầm văn hoá đó đã từng tưới mát nuôi dưỡng, làm nên tâm hồn người Hà Nội và nó sẽ còn tiếp tục làm điều đó, cho dù trên “lớp nước mặt” có thể lăn tăn sóng, có thể có nhiều tiếng gió lùa...

Cà phê Giảng được “nhân đôi” – trở thành “Giảng – Yên Phụ”, “Giảng – Nguyễn Hữu Huân”. Điều kiện ăn ở và bán hàng đều tốt hơn… nhưng day dứt nhớ những kỷ niệm về ngôi nhà, quán cũ và khách cũ…

Ngày mở quán Giảng – Hàng Gai đã lâu rồi, chẳng còn ai nhớ chính xác ngày nào. Nhưng ngày chia tay hôm nay thì tôi sẽ nhớ. Và dù sau này cà phê Giảng – Yên Phụ, cà phê Giảng – Nguyễn Hữu Huân sẽ in vào tâm thức một lớp người Hà Nội mới thì tôi vẫn nhớ một thời cà phê Giảng – Hàng Gai với một phong vị… và bao kỷ niệm riêng chung...

Theo Phương Hạnh
SGTT
hohoankiem.org

  Đánh giá bài viết

Bài viết số 516 đã được: 3.5/10 (19 Đánh giá)


Hãy Register thành viên để có thể viết nhận xét

Nếu bạn thấy bài viết hay vui lòng Bookmark bài viết. Cám ơn bạn!

Bookmark and Share